Bối cảnh Trận_Leuthen

Cuối năm 1756, Chiến tranh Bảy năm bùng nổ giữa liên minh Áo-Pháp-Nga-Thụy Điển với Phổ. Bấy giờ Áo và Phổ là hai nước mạnh nhất trong đế quốc La-Đức (tập hợp các nước của người Đức). Phổ đã chinh phục Schlesien, một tỉnh giàu có của Áo trong chiến tranh Kế vị Áo (1740–174), nên Áo quyết lấy lại bằng được. Vua Phổ Friedrich II lên kế hoạch đánh phủ đầu Áo, hòng loại nước này khỏi vòng chiến trước khi quân Áo phối hợp với quân các đồng minh xâm chiếm Phổ. Sau khi thôn tính xứ Sachsen chư hầu của Áo năm 1756, Friedrich dẫn hơn 6 vạn quân đánh vào vùng Böhmen thuộc Áo, nhưng bị quân đội Áo do thống chế Joseph Leopold von Daun chỉ huy đánh tan trong trận Kolín ngày 18 tháng 6 năm 1757. Friedrich buộc phải chuyển sang thế phòng thủ bị động dọc theo biên giới Sachsen - Böhmen.[7] Thừa thắng, liên minh Pháp-Áo-Nga vây đánh Phổ khắp tứ phương; nhưng chỉ có mũi tấn công của quân Pháp vào Sachsen trên hướng tây, và mũi tấn công vào Schlesien của 84 nghìn quân Áo do vương công Karl xứ Lothringen và thống chế Daun chỉ huy là gây được sức ép lớn đến sự tồn vong của Vương triều Phổ.[8][1][9][10]

Tháng 8 năm 1757, Friedrich giao 4 vạn quân cho trấn thủ Schlesien là August Wilhelm đánh chặn quân Áo, rồi nhà vua tự mình đem hơn 2 vạn quân sang Sachsen tấn công quân Pháp.[1] Ngày 5 tháng 11 năm 1757, cánh quân Phổ do Friedrich chỉ huy đánh bại hơn 41 nghìn quân Pháp và chư hầu Đức trong trận Roßbach, xóa bỏ mối đe dọa từ Pháp trên hướng tây. Đây là một trong những thắng lợi lớn nhất trong sự nghiệp của Friedrich: quân Phổ chỉ thương vong gần 600 người nhưng loại 10 vạn quân Pháp-Đức khỏi vòng chiến.[11]. Nhưng cùng lúc đó, đại quân Áo do Karl và Daun chỉ huy đã tiến sâu vào Schlesien. Hai ông vừa cầm chân đội quân chính quy của trấn thủ Schlesien, vừa đánh hạ lần lượt các pháo đài trong tỉnh. Ngày 13 tháng 11 năm 1757, thành Schweidnitz thất thủ sau 3 tuần bị bao vây. Tiếp theo đó, ngày 22 tháng 11 Karl xua hơn 8 vạn quân đánh tan 28 nghìn quân chính quy Phổ trước cổng thủ phủ Breslau, buộc người Phổ phải rút phần lớn lực lượng sang bờ đông sông Oder và chỉ để lại một số tiểu đoàn đốn trú Breslau. Không lâu sau, quân đội Áo đánh chiếm Breslau vào ngày 25 tháng 11 và bắt August Wilhelm làm tù binh.[1][12]

Quyết định mở trận của hai bên

Sau khi nhận tin về những thắng lợi ban đầu của quân đội Áo ở Schlesien, Friedrich II vội vã tổ chức hành quân từ Sachsen về giành lại lãnh thổ bị mất. Ngày 13 tháng 11 Friedrich dẫn 13 nghìn quân khởi hành rời Schlesien. Ngày 28 tháng 11, quân vua Phổ đến sông Oder, sau đó tập kết với cánh quân Schlesien vào ngày 2 tháng 12, nâng quân số của Friedrich lên 39 nghìn người và 170 súng lớn. Chỉ 1/3 trong số quân này là những người vừa thắng trận Roßbach, và 2/3 còn lại là những người Schlesien vốn mệt lã, đói khát và nhụt chí sau trận Breslau. Mặc dù vậy, Friedrich quyết tâm đánh đuổi quân Áo khỏi Schlesien trước mùa đông, để loại trừ khả năng người Áo biến tỉnh này thành bàn đạp đánh thủ đô Berlin. Để cải thiện sĩ khí trong cánh quân Schlesien, Friedrich đã cho các cựu binh của trận Roßbach kể cho quân tỉnh Schlesien nghe về chiến thắng của họ. Friedrich cũng tự mình đi từ trại lính này sang trại lính khác, đốt lửa sưởi ấm chung với sĩ quan, binh lính và lắng nghe các ý kiến của họ, đồng thời hứa hẹn sẽ ban thưởng đặc biệt hậu hĩnh cho tướng sĩ Schlesien nếu họ lập công trong trận đánh tới.[1][13]

Vương công Karl xứ Lothringen

Ngày 3 tháng 12 năm 1757, Friedrich triệu tập các tướng soái đến sở chỉ huy ở Parchwitz; tại đây, nhà vua kêu gọi quân đội Phổ chiếm lại Breslau, và họ chỉ có 2 lựa chọn là chiến thắng hoặc chết. Friedrich cũng động viên tướng sĩ rằng "nếu chúng ta thua cuộc, chúng ta sẽ mất tất cả. Chúng ta đang chiến đấu vì vinh quang của mình, vì danh dự của mình, và vì vợ con của mình. Những ai chịu sát cánh cùng ta chiến đấu hãy an trí rằng ta sẽ quan tâm đến gia quyến của anh nếu các anh phải bỏ mạng. Còn những ai muốn bỏ cuộc thì hãy đi ngay bây giờ, nhưng đừng đòi hỏi gì hơn ở sự khoan hồng của ta nữa". Friedrich cũng ban bố các hình phạt cụ thể dành cho những trung đoàn nào lùi bước trong trận đánh tới.[1][13] Bài hiệu triệu của Friedrich tại Parchwitz đã trở thành một diễn văn nổi tiếng trong tiềm thức người Phổ-Đức trước năm 1945.[14][15]

Mặc dù Friedrich đoán rằng lực lượng của Áo chỉ đông ngang ngửa lực lượng Phổ, Karl và Daun trên thực tế có đến 66 nghìn lính và 210 đại pháo.[1][16] Trong đội hình quân Áo có một số trung đoàn được tuyển từ các nước chư hầu Đức như BayernWürttemberg. Ngày 2 tháng 12 các tướng Áo họp tại thị trấn Lissa trên bờ tây sông Weistritz để tìm phương án đối phó với quân chủ lực Phổ. Daun cùng một số tướng khác đề xuất lập một tuyến phòng thủ thật mạnh trên bờ đông sông Weistritz và dụ Friedrich tấn công, Karl và tướng kỵ binh Joseph Lucchesi d'Averna nhất quyết yêu cầu cho quân vượt sông Weistritz nghênh chiến với địch. Cậy quyền là em trai của hoàng đế La-Đức kiêm đại công tước Áo Franz I, Karl ép Daun cùng các tướng thân cận phải làm theo đề nghị của mình.[17] Dựa trên ký ức về những chiến thắng của quân đội Áo từ tháng 6 đến tháng 11, Karl và Lucchesi tự tin khẳng định rằng việc đạt một thắng lợi quân sự quyết định ở Schlesien sẽ làm họ "mất ít thời gian hơn cả việc bảo vệ luận điểm trong cuộc họp vừa qua".[18][19] Quân Áo vượt sông Weistritz và tiến sang hướng tây. Karl dự định cho quân nghỉ chân ăn uống tại thành phố Neumarkt, nên vào ngày 3 tháng 12 ông sai thuộc hạ đưa một lò nướng dã chiến cùng 1 nghìn lính khinh kỵ Croatia đến Neumarkt chờ quân chủ lực đi tới.[20][1]

Triển khai lực lượng

Ngày 4 tháng 5, quân Phổ nhổ trại hành tiến về Breslau.[1] Khi đến trước Neumarkt, quân tiền vệ Phổ đã phát hiện lò nướng dã chiến cùng 1.000 kỵ binh người Croatia.[20] Friedrich lập tức huy động một trung đoàn bộ binh đi vòng qua 2 cánh sườn quân Croatia, đồng thời sai kỵ binh Phổ chốt giữ một cao điểm đằng sau Neumarkt. Sau khi các mệnh lệnh đó được thực thi, Friedrich xua quân tiền vệ đánh trực diện kỵ binh Croatia. Quân Croatia nhanh chóng tan chạy, và bị quân Phổ từ sau lưng và 2 bên sườn đổ ra tiêu diệt. Quân Phổ tiêu diệt 120 lính Croatia, bắt được 569 tù binh và tịch thu toàn bộ ló nướng dã chiến của Áo.[21][19]

Friedrich II và ban tham mưu tại trận Leuthen, tranh của Hugo Ungewitter..

Một số tàn quân Croatia chạy thoát về trận tuyến và thông báo với Karl rằng đại quân Phổ đã đến tận Neumarkt. Thông tin này buộc Karl chuyển sang thế phòng ngự, nhưng ông không rút quân về bờ tây sông Weistritz dù hướng đó có địa hình dễ cố thủ hơn. Karl dàn quân trên một trận tuyến dài 10 km cách Lissa vài km về hướng tây; chiến tuyến này kéo dài từ các làng Nippen và Guckerwitz trên (hướng bắc tuyến đường chính đến Breslau), qua thị trấn Frobelwitz (nằm ngay trên tuyến đường Breslau), tới các làng Leuthen và Sägchutz (hướng nam tuyến đường Breslau). Quân cánh phải Áo được bài trí giữa 2 làng Nippen và Guckerwitz, dưới sự chỉ huy của tướng kỵ binh Lucchesi. Quân cánh trái đóng quân ở phía nam Leuthen, do tướng Franz Nádasdy chỉ huy. Do tiên liệu rằng Friedrich sẽ không đánh vào cánh trái quân mình, Karl phân bố các trung đoàn quân chư hầu Đức như Württemberg và Bayern (vốn theo đạo Kháng Cách và không tận trung với hoàng tộc theo Công giáo của Áo) ở ngoài cùng sườn trái phía nam Sägchutz.[18][1]

4h sáng ngày 5 tháng 12, Friedrich tiến quân dọc theo con đường đến Breslau từ hướng tây. Không lâu sau đó, người Phổ bắt gặp một toán kỵ binh tuần tiễu Áo cách Frobelwitz 5 km về hướng tây, gần thị trấn Borne. Hai bên xông vào giáp chiến và quân kỵ Áo nhanh chóng thua chạy. Friedrich cho giải 600 tù binh đi ngang qua trước mặt quân mình để khích lệ tinh thần tướng sĩ.[19] Friedrich cử 3 tiểu đoàn biệt kích trấn giữ Borne, rồi nhà vua leo lên đồi Schön-Berg và phát hiện trung tâm của trận tuyến quân Áo nằm đối diện với ông. Không lâu sau đó, các toán kỵ binh trinh thám báo với Friedrich rằng cánh phải quân Áo được một rừng sối dày đặc che sườn, nhưng sườn cánh trái của Áo lại nằm trên địa hình trống trải. Friedrich cũng nhận thấy các đồi Schleier-Berg và Sophien-Berg bên tay phải ông ta có thể che mắt người Áo trong khi quân Phổ đi dọc theo chính diện quân Áo, rồi vòng qua sườn trái của họ. Do vậy Friedrich lên kế hoạch tổ chức một mũi nghi binh uy hiếp cánh phải quân Áo, hòng dụ Karl tăng cường lực lượng sang cánh này; trong lúc đó, quân chủ lực sẽ tiến về phía nam 2 km, sau đó quay ngoặt sang hướng đông-nam rồi quành lên phía bắc để đánh ập vào sườn trái Áo gần Sagaschutz.[22][1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Leuthen //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //www.worldcat.org/oclc/1851096728 https://books.google.com/books?id=4jjvBQAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=KXXis-3LSLgC&pg=... https://books.google.com/books?id=WMvvCwAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=s6KRAAAAMAAJ&pg=... https://books.google.de/books?id=6z9BAAAAcAAJ&pg=P... https://books.google.de/books?id=JpdAAAAAcAAJ&pg=P... https://books.google.com.vn/books?id=WvpiFTmWnaQC&...